- Tham gia
- 18/7/24
- Bài viết
- 1,900
- Điểm Reaction
- 26
Tận dụng công nghệ để thương hiệu nông sản vươn xa hơn
Trong những năm gần đây, nhiều mô hình HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đã vận dụng công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật trong quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm. Nhờ vậy, câu chuyện tiêu thụ nông sản của HTX, một trong những loại hình kinh tế từ trước đến nay vẫn bị coi là có sức cạnh tranh yếu, cũng đã có nhiều thay đổi.
“Năm nay, ngay từ đầu vụ Xuân, dù chưa gieo mạ nhưng mấy tạ gạo trong khoản thu có từ vụ tới của nhà tôi đã có chủ. Nhiều hộ thành viên khác cũng đã có đơn đặt hàng từ sớm”, bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy (xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) phấn khởi kể về những thay đổi của HTX từ khi ứng dụng chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tham quan các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc sản nông thôn của tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy là mô hình thí điểm để xây dựng thương hiệu gạo Phù Yên. Đến nay, HTX đã nhân rộng và duy trì sản xuất trên 100ha lúa hữu cơ. Nhiều giống lúa ngon, giống lúa nếp truyền thống được HTX đưa vào trồng với quy mô lớn như lúa DT39, lúa J02, nếp tan Ngọc Chiến, lúa Đài thơm 8…
Bà Ngân cho biết thêm: “Ngày xưa, thương hiệu gạo Phù Yên đã được truyền miệng qua câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Đây là một so sánh cho thấy quy mô, tầm quan trọng của vựa lúa Mường Tấc, huyện Phù Yên.
Ngày nay, để thương hiệu gạo Phù Yên vươn xa hơn, đến với thị trường lớn hơn, chúng tôi cũng cần những cách làm mới. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ số là một giải pháp hữu hiệu và bức thiết”.

Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là các mô hình trồng cây đặc sản, nuôi con đặc sản. Ảnh: Kiều Tâm.
Đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường, “Gạo Phù Yên” đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, gồm các giống lúa: BC15, J02, Đài thơm 8. Bao bì sản phẩm gạo Phù Yên được thiết kế, in ấn sử dụng mã tem QR code, tem truy xuất nguồn gốc… Đẩy mạnh quảng bá trên các website, trang mạng xã hội.
Cùng với đó, HTX tích cực tập huấn cho các thành viên về kỹ thuật chăm sóc lúa, cách sử dụng eGAP để quản lý diện tích cây trồng, cập nhật nhật ký điện tử, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử…
Nói về ứng dụng chuyển đổi số, ông Cầm Văn Long, thành viên HTX chia sẻ: “Lúc mới bắt đầu, chưa thạo dùng điện thoại thông minh, tôi phải hỏi con, cháu trong nhà. Nhưng dùng nhiều cũng thành quen.

Khách hàng tại các tỉnh, thành trên cả nước có thể tìm kiếm thông tin về nông sản của HTX tỉnh Sơn La chỉ từ một mã quét, cái tên, hình ảnh... Ảnh: Kiều Tâm.
Khách hàng ở các thành phố lớn giờ ai cũng đặt đơn qua điện thoại, qua mạng xã hội. Gạo nhà mình ngon thì giá cả không thành vấn đề, ship từ đây vào miền Nam cũng được. Mình không biết dùng điện thoại thì làm sao tiếp cận được những khách hàng như thế.
Hiện nay, sản phẩm gạo của HTX đã được bán trên Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử. Khách hàng đặt gạo có thể thanh toán qua các app, hoặc liên hệ lại qua điện thoại, mạng xã hội. Chúng tôi đã có nhiều khách hàng quen mới, cả trong và ngoài tỉnh nhờ những ứng dụng này.”
Lựa chọn ứng dụng chuyển đổi số theo hướng bền vững
Chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội để phát triển thương hiệu nông sản Sơn La. Đồng thời, hướng phát triển này cũng đặt ra những thách thức mới, trong đó có sự đổi mới về tư duy. Với HTX Tây Bắc (xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), sự chuyển đổi này bắt đầu từ khi HTX đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các kênh mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Thành viên của HTX Tây Bắc (xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) được tập huấn livestream bán nông sản. Ảnh: HTX Tây Bắc.
Chị Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX Tây Bắc lý giải: Các trang mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử là thị trường đầy tiềm năng để HTX tiếp cận với nhiều khách hàng mới. Nhiều doanh nghiệp, HTX khác cũng thấy được điều đó. Cùng một loại sản phẩm, khách hàng có thể có rất nhiều sự lựa chọn.
Do đó, để khách hàng quyết định mua sản phẩm của mình, chúng tôi phải tự thay đổi cách mình hiện diện với khách hàng trên các trang mạng điện tử. Tức là đổi mới cách chào hàng, quảng bá, giới thiệu, hướng dẫn sử dụng…
Từ định hướng trên, HTX Tây Bắc đã đầu tư thiết kế bao bì, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Sản phẩm chủ lực tỏi đen Diệp Bách được phát triển đa dạng với nhiều phiên bản, mẫu mã, bổ sung các sản phẩm liên quan như rượu tỏi đen, tỏi đen ngâm mật ong. Các sản phẩm khác được phát triển đa dạng, gắn liền với nông sản địa phương và những bài thuốc truyền thống như: Bột chuối xanh, hoa đu đủ sấy khô…

HTX nông sản bản địa Noọng Piêu (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu tỉnh Sơn La) xây dựng website quảng bá, giới thiệu nông sản. Ảnh: Kiều Tâm.
Ngoài ra, hình ảnh của HTX được cập nhật thường xuyên trên các kênh Facebook, TikTok của doanh nghiệp; hợp tác với các KOLs, KOCs để quảng bá thương hiệu trên nhiều nền tảng. Tập trung vào phát triển sản phẩm, HTX liên kết với nhiều đại lý, nhà phân phối (affiliate) để tiêu thụ sản phẩm qua các cửa hàng và các kênh trực tuyến.
Cũng lựa chọn hướng đi tập trung phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu, HTX nông sản bản địa Noọng Piêu (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu tỉnh Sơn La) đang liên kết với một dự án để xây dựng đội nhóm marketing.
Giới thiệu thêm về kế hoạch này, chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX nói: Học hỏi từ những doanh nghiệp, HTX đi trước, Nọong Piêu đã xác định hướng phát triển lâu dài là sản xuất nông sản chất lượng cao để phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp.
Clip: HTX nông sản bản địa Noọng Piêu định hướng phát triển nâng cao giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng cao. Clip: Kiều Tâm.
Sản phẩm chủ lực hiện tại của HTX nông sản bản địa Noọng Piêu là mận Ruby được canh tác theo quy trình, kỹ thuật đặc biệt. Để cho ra quả mận Ruby chất lượng, chỉ từ 15-20 quả/kg, HTX phải tuyển chọn những cây mận cổ, khỏe mạnh, được trồng cách xa nhau. Khi mận ra trái, HTX phải tỉa bớt 30-50% sản lượng, tỉa cành, tỉa trái để giữ lại những quả ngon nhất ở đầu cành. Mỗi một quả mận Ruby kết tinh từ quy trình "tinh tuyển" và sự chăm sóc tỉ mỉ, khó có thể sản xuất đại trà.
Do đó, Noọng Piêu không sản xuất mận Ruby với số lượng ồ ạt hay bắt trend không chọn lọc, đẩy mạnh livestream trên các kênh để tiêu thụ nông sản. Thay vào đó, HTX lựa chọn hướng tới nâng tầm về chất lượng, giá trị của sản phẩm chủ lực.
Chị Thanh phân tích: Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua livestream. Đây là cách làm hay nhưng chưa phù hợp với HTX của chúng tôi vào thời điểm này.
Tuy nhiên, HTX vẫn có thể sử dụng các nền tảng số để chăm sóc khách hàng, xây dựng thương hiệu. Đội nhóm digital marketing, gồm các chuyên gia, những người đã áp dụng hiệu quả các nền tảng số, có thể giúp HTX làm tốt hơn.
“Trên mạng xã hội, trên website và trên cả chính bao bì sản phẩm, chúng tôi đã và đang cùng chia sẻ về hành trình phát triển nông sản Yên Châu, nông sản Sơn La. Câu chuyện này chính là cách để Noọng Piêu lan tỏa, khẳng định những giá trị, thông điệp, cảm xúc đằng sau sản phẩm đến với người tiêu dùng. Và giờ thì câu chuyện ấy đang tiếp tục được kể tại thị trường lớn như EU và sắp tới là Trung Quốc”, chị Thanh cho biết.
Adblock test (Why?)